Tin Giáo dục

Phát triển hệ thống trường phổ thông dân tộc nội trú

4/3/2014 9:05:57 AM


ND - Ðược hình thành từ cuối những năm 50 của thế kỷ 20, hệ thống các trường phổ thông dân tộc nội trú (PTDTNT) phát triển và từng bước khẳng định vị trí quan trọng trong công tác giáo dục, tạo nguồn cán bộ và nguồn nhân lực có trình độ cho vùng dân tộc, miền núi.

Theo thống kê của Bộ Giáo dục và Ðào tạo (GD và ÐT), đến nay, tất cả các dân tộc thiểu số của nước ta đều có con em theo học tại trường PTDTNT, chiếm 6,1% tổng số học sinh dân tộc thiểu số trên cả nước. Học sinh trường PTDTNT được nuôi dạy trong môi trường giáo dục có tính chất chuyên biệt, ngoài việc học văn hóa, còn được học tiếng nói, chữ viết dân tộc, trang bị kiến thức về lịch sử, văn hóa địa phương, kiến thức khoa học kỹ thuật cơ bản... Mặt khác, học sinh học tại trường PTDTNT được miễn học phí, các loại phí thi, tuyển sinh, hỗ trợ tiền tàu xe nghỉ Tết, nghỉ hè và được học bổng bằng 80% mức lương tối thiểu chung. Riêng học sinh chín dân tộc rất ít người học tại các trường PTDTNT được hưởng học bổng bằng 100% lương tối thiểu. Ðáng chú ý, hệ thống cơ sở vật chất của các trường PTDTNT từng bước được đầu tư nâng cấp, đáp ứng nhu cầu học tập của học sinh. Bằng các chương trình, dự án của Nhà nước kết hợp sự đầu tư của các địa phương, hệ thống trường PTDTNT được xây dựng khang trang, số trường PTDTNT tăng qua từng năm học.

Mặc dù có những bước phát triển đáng kể phục vụ nhu cầu học tập của con em dân tộc thiểu số, nhưng so với nhu cầu thực tiễn, hệ thống trường PTDTNT phát triển chưa đồng đều giữa các địa phương có đồng bào dân tộc thiểu số, chưa đáp ứng nhu cầu giáo dục, đào tạo nguồn cán bộ và nguồn nhân lực có chất lượng phục vụ công cuộc phát triển kinh tế- xã hội vùng dân tộc, miền núi. Ðiển hình như số học sinh học tại các trường PTDTNT của Quảng Bình chiếm 39,86%, trong khi của tỉnh Ðác Lắc chỉ chiếm 4,98% tổng số học sinh dân tộc thiểu số. Mặt khác, quy mô học sinh của nhiều trường PTDTNT vượt quá điều kiện về cơ sở vật chất, dẫn đến tình trạng thiếu phòng nội trú, phòng học và các phòng chức năng, khuôn viên, sân chơi, bãi tập... ảnh hưởng việc tổ chức, nuôi dạy học sinh. Ðáng chú ý, những năm gần đây, do nhiều đơn vị hành chính mới được thành lập cho nên cả nước vẫn còn 19 trường PTDTNT đã thành lập nhưng chưa được đầu tư cơ sở vật chất, học sinh phải đi học nhờ, học gửi như: Trường PTDTNT Tu Mơ Rông (Kon Tum), Cư Kuin (Ðác Lắc), Phục Hòa (Cao Bằng)...

Ðể phát huy vai trò, hiệu quả của mình, cần củng cố mạng lưới, quy mô các trường PTDTNT nhằm nâng cao dân trí, tạo nguồn cán bộ và nguồn nhân lực phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc, miền núi. Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Ðề án "Củng cố và phát triển hệ thống trường phổ thông dân tộc nội trú giai đoạn 2011 - 2015". Theo đó, mục tiêu từ nay đến năm 2015, cả nước có 317 trường PTDTNT với khoảng 85 nghìn học sinh, đạt bình quân 7% học sinh dân tộc thiểu số THCS và THPT được học trong các trường PTDTNT. Thực hiện đầu tư xây dựng cơ sở vật chất cho các trường PTDTNT theo hướng trung học đạt chuẩn quốc gia và bảo đảm các điều kiện để nuôi dạy học sinh nội trú. Phấn đấu đến năm 2015 có khoảng 30% số trường PTDTNT đạt chuẩn quốc gia.

Theo Thứ trưởng Bộ GD và ÐT Nguyễn Thị Nghĩa, thực hiện đề án, trong năm 2012, các địa phương tập trung ưu tiên xây dựng hoàn thành để đưa vào sử dụng các hạng mục công trình bổ sung thiết yếu như: Phòng học, phòng học bộ môn, công trình cấp nước, công trình vệ sinh. Bộ GD và ÐT sẽ tổ chức biên soạn các tài liệu mang tính chất chung về hoạt động quản lý, giáo dục của trường PTDTNT; xây dựng hệ thống thông tin quản lý và trang thông tin điện tử chung cho hệ thống trường PTDTNT, đồng thời kết nối mạng giữa các nhà trường nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động dạy và học. Với các Sở GD và ÐT, cần chỉ đạo các trường tiếp tục đổi mới phương pháp giảng dạy, phương pháp tuyển sinh, nâng cao chất lượng đầu vào để nâng cao chất lượng các trường. Ngoài ra, các trường PTDTNT thực hiện đổi mới phương pháp dạy học linh hoạt, phù hợp  đặc điểm học sinh và bảo đảm các điều kiện giáo dục đặc thù học sinh dân tộc thiểu số.

- Ðến năm 2011, hệ thống trường PTDTNT có ở 50 tỉnh, thành phố, với tổng số 292 trường (ba trường thuộc bộ, 50 trường cấp tỉnh và 239 trường cấp huyện), thu hút 70 nghìn học sinh dân tộc thiểu số theo học. Trong đó, có 38 trường (chiếm 13% tổng số  PTDTNT) đạt chuẩn quốc gia.

- Hiện nay, tỷ lệ học sinh các trường PTDTNT vào học đại học, cao đẳng khoảng 41,3%, vào trung cấp chuyên nghiệp và học nghề khoảng 20%.(Bộ GD và ÐT)

                                                                         GIANG SƠN

http://www.nhandan.com.vn/

Đóng góp ý kiến Bản in
Họ và tên
Nội dung hỏi
  Mã xác nhận: 2828

Lượt truy cập: 369713 lần

Đang online: 1 người