Bản tin Nhà trường

GHI NHẬN TỪ MỘT MÁI TRƯỜNG

10/26/2018 4:01:45 PM

Trường PT DTNT Quảng Bình

Quy tụ gần 350 học sinh thuộc đồng bào dân tộc thiểu số, chủ yếu là dân tộc Chứt, , dân tộc Khùa, dân tộc Sách, dân tộc Mày, dân tộc Ma Coong và dân tộc Bru Vân Kiều. Trường phổ thông dân tộc nội trú Quảng Bình là một ngôi trường khá “đặc biệt”. Mặc dù còn gặp nhiều khó khăn nhưng những năm qua , với tình yêu, tinh thần trách nhiệm, tận tụi hết lòng vì học sinh, trường đã hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao, lập được nhiều thành tích đáng tự hào. Đội ngũ giáo viên đã thực sự trở thành những người cha, người mẹ chăm sóc , nuôi dưỡng chu đáo, tận tâm với các em trong học tập cũng như cuộc sống thường ngày.

      Khó khăn lớn nhất của trường là nâng cao chất lượng dạy và học. Do chất lượng đầu vào thấp, sức tiếp nhận của các em còn nhiều hạn chế, học sinh dân tộc lại quen sống hoang dã ,nhiều em nói chưa rõ tiếng Việt nên chương trình, phương pháp học nhiều lúc còn chưa phù hợp với mức độ tiếp nhận của học sinh, giáo viên gặp rất nhiều khó khăn khi đứng lớp .Tuy nhiên, không quản ngại khó khăn, các giáo viên luôn nỗ lực không ngừng  và đã gặt hái được nhiều thành công trong giảng dạy. tiêu biểu là cô Lê Thị Ngọc Ánh, cô Nguyến Thị Cẩm Vân , thầy Đặng Lâm Tú…  là những người  đã truyền cảm hứng, đam mê học tập cho các em học sinh, đồng thời đã có công bồi dưỡng nhiều học sinh đạt giải cấp tỉnh. Có thể thấy những năm gần đây , số học sinh của trường đạt các giải cấp tỉnh ngày càng nhiều. Trong đó , phải kể đến em Nguyễn Thị Trang , học sinh lớp 12D đạt giải nhì môn Địa lý và tiếp tục được vào đội tuyển chính thức để tham gia thi học sinh giỏi toàn quốc sắp tới. Khi được hỏi bí quyết, cô Đinh Thị Thu Hường , giáo viên bồi dưỡng môn địa lý tâm sự, đó là nhờ sự nỗ lực , quyết tâm của học sinh và sự nhiệt huyết, đam mê nghề nghiệp của giáo viên. Bằng phương châm gần gũi, động viên, cầm tay chỉ việc,cô đã uốn nắn “ thắp lửa” cho học trò.

           Em Nguyễn Thị Trang chia sẻ: “ Em được thành tích cao như vậy là nhờ sự dày công bồi dưỡng kiến thức, cung cấp tài liệu, hướng dẫn giải các bộ đề thi, đọc các sách tham khảo, rèn luyện kỹ năng làm bài. Đặc biệt cô Hường rất quan tâm , động viên em từng li, từng tý, không những dạy kiến thức cho em mà cô còn chăm chút như một người mẹ. Hàng ngày cô giành thời gian để chở em sang trường chuyên Võ Nguyên Giáp để học lớp bồi dưỡng thi quốc gia. Khi em ốm đau cô chăm sóc, động viên và cô cũng giành một ít đồng lương ít ỏi để mua những vật dụng cần thiết cho em”.

              Không chỉ các môn văn hóa mà trong luyện tập thể dục thể thao, nhiều giáo viên của trường cũng đạt thành tích đáng tự hào, như thầy giáo Lê Viết Nam nhiều năm liền bồi dưỡng học sinh thi điền kinh đều đạt giải, đặc biệt, có em đạt huy chương vàng toàn quốc . Năm học vừa qua, có học sinh đạt huy chương bạc và huy chương đồng… Đây là những thành tích đáng tự hào đối với một trường dân tộc nội trú.

        Học sinh của trường đêu ở khu nội trú  nên từ việc ăn , ở, sinh hoạt cho đến học hành, thầy cô giáo đều phải thay cha mẹ để lo cho các em một cách chu đáo. Ngoài nhiệm vụ giảng dạy trên bục giảng, các thầy cô còn phải làm tròn trách nhiệm của người bố, người mẹ thực sự. Chính vì thế, công tác chủ nhiệm là công việc khó khăn nhất mà hầu hết các giáo viên chủ nhiệm trường DTNT đều trải qua. Cô Nguyễn Thị Dung chủ nhiệm học sinh lớp 10 tâm sự, mới vào trường học sinh chưa quen, có em thường xuyên khóc, nằng nặc đòi về. Cô phải gần gũi, trò chuyện, động viên, dẫn đi khắp thành phố để em quen dần với môi trường mới, ngay cả việc tắm, giặt, vệ sinh cô cũng phải chỉ dẫn cụ thể. Các em chưa quen bếp ăn tập thể, nên còn ngại ngùng, cô phải động  viên theo  sát cho đến khi các em quen dần với lề lối sinh hoạt tại trường.

          Còn cô Nguyễn Thị Cẩm Vinh tâm sự: Ngày nào cũng như ngày nào, cô luôn dành thời gian đến thăm, động viên, nhắc nhở các em ở khu nội trú. Nhiều lần có những cuộc điện thoại gọi đến một đến hai giờ sáng “ Cổ ơi, em đau”  Thế là cô lại tất tưởi đến khu nội trú để kịp thời đưa em vào bệnh cấp cứu, lo cơm cháo,thuốc men như những đứa con trong gia đình.

            Quan tâm, chia sẽ với những khó khăn, thiếu thốn của học sinh là việc làm mà các giá viên trường phổ thông dân tộc nội trú tỉnh luôn xem trọng, nhất là khi xảy ra thiên tai, lũ lụt như cơn bão số 10 vào đầu tháng 10 năm 2017. Các cô nuôi ở trường kể: “ Trong cơn bão số 10 năm ngoái, vì lo học sinh phải chịu đói nên dù mưa lớn, nước dâng cao, các cô vẫn lội giữa dòng nước bạc để kịp đến trường nấu cơm cho các em ăn. Năm nào cũng có mưa bão nhưng học sinh đều được cô nuôi nấu nướng phục vụ chu đáo”. Và còn rất nhiều những việc làm cảm động mà các giáo viên nơi đây đã làm cho các em học sinh.

          Có thể khẳng định, những thành tích mà trường phổ thông dân tộc nội trú Quảng Bình đã đạt được là nhờ sự lãnh đạo quyết liệt, luôn đătl lợi ích của học sinh lên hang đầu của ban giám hiệu nhà trường, nhờ sự tâm huyết, nhiệt tình mẫu mực, “ nói đi đôi vớí làm” của đội ngủ giáo viên, cô nuôi. Đây sẽ là tiền đề để trường tiếp tục ngày một vươn cao và  gặt hái  nhiều thành công hơn  nữa trong thời gian tới.

 

                                                                                                

Đoàn Thị Sâm - Phó Hiệu trưởng Nhà trường

Đóng góp ý kiến Bản in
Họ và tên
Nội dung hỏi
  Mã xác nhận: 4019

Lượt truy cập: 370274 lần

Đang online: 4 người