Tin Giáo dục

Chuyện học của đồng bào dân tộc thiểu số

4/3/2014 8:48:07 AM

Cập nhật lúc 11:06, Thứ Ba, 25/02/2014 (GMT+7)

Thời gian qua, với việc thực hiện tốt công tác dân tộc và các chính sách dân tộc, đời sống của bà con dân tộc thiểu số (DTTS) trên địa bàn tỉnh đã được nâng cao về vật chất và tinh thần. Đặc biệt, công tác giáo dục-đào tạo nói chung và giáo dục cấp trung học phổ thông (THPT) đối với học sinh DTTS đã có những thành quả đáng ghi nhận, góp phần quan trọng vào việc phát triển kinh tế-xã hội của vùng đồng bào dân tộc và miền núi.

 

Theo đó, vùng đồng bào DTTS sinh sống đã được quan tâm đầu tư về cơ sở hạ tầng, các thiết chế về văn hoá-xã hội được duy trì và phát triển nên đời sống của bà con được cải thiện, tỷ lệ hộ nghèo giảm, do vậy tác động tích cực đến công tác giáo dục dân tộc trên địa bàn toàn tỉnh.

Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết, năm học 2013-2014 toàn tỉnh có 5 trường phổ thông dân tộc nội trú (PTDTNT) (trong đó có 1 trường PTDTNT tỉnh, 4 trường PTDTNT huyện); có 3 trường phổ thông dân tộc bán trú (PTDTBT) (gồm: 1 trường tiểu học; 1 trường THCS; 1 trường TH và THCS).

Thực hiện nhiệm vụ giáo dục-đào tạo (GD-ĐT) đối với đồng bào DTTS, UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở GD-ĐT hướng dẫn các Phòng GD-ĐT, các trường PTDTNT thực hiện theo đúng quy định và nghiêm túc các văn bản hướng dẫn về công tác tuyển sinh vào trường PTDTNT và PTDTBT. Đồng thời thực hiện tốt công tác tuyển sinh như ưu tiên tuyển học sinh ở vùng dân tộc đặc biệt khó khăn ở các thôn bản xa trường THCS trên địa bàn xã; đối tượng học sinh con mồ côi cha mẹ, học sinh nghèo có nguy cơ bỏ học; học sinh có học lực giỏi, khá, hạnh kiểm tốt...

Bên cạnh đó, các cơ sở giáo dục và ban, ngành liên quan đã triển khai có hiệu quả việc nâng cao chất lượng toàn diện cho học sinh DTTS bằng các hoạt động như: giao lưu tiếng Việt, thi học sinh giỏi, khắc phục được tình trạng học sinh ngồi nhầm lớp; giữ vững và nâng cao kết quả phổ cập nên khoảng cách giữa vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn với vùng nông thôn, thành thị ngày càng được rút ngắn... Về chế độ chính sách đối với học sinh DTTS, nhiều trường đã hết sức quan tâm, chăm sóc học sinh bằng các việc làm thiết thực, đó là đưa đón học sinh đi, về trong các ngày nghỉ; tổ chức các hoạt động tham quan, giao lưu, các hoạt động vui chơi, giải trí; xây dựng thư viện phục vụ nhu cầu của học sinh...

Hiện phần lớn học sinh DTTS đều sinh hoạt theo hình thức nội trú, do vậy ở các trường đã có sự phối hợp chặt chẽ giữa giáo viên, nhân viên phụ trách với cán bộ nuôi dưỡng, cán bộ Đoàn, Đội, cán bộ y tế  để thường xuyên kiểm tra đánh giá thi đua và thực hiện chế độ khen thưởng cho các cá nhân, tập thể ăn ở sạch sẽ, gọn gàng, bảo quản tốt cơ sở vật chất.


Nhìn chung, chất lượng dạy và học ở Trường DTNT tỉnh ngày càng được nâng cao, tỷ lệ học sinh khá, giỏi tăng, yếu kém ngày càng giảm. Tuy nhiên nếu so sánh với tình hình chung của các trường THPT toàn tỉnh thì chất lượng giáo dục của trường DTNT còn thấp, nhiều học sinh còn yếu về văn hóa, một số em mức độ tiếp thu kiến thức còn chậm.Toàn tỉnh hiện có 1 trường PTDTNT cấp THPT (Trường PTDTNT tỉnh Quảng Bình được thành lập năm 1991), làm nhiệm vụ giáo dục, nuôi dưỡng và tạo nguồn cán bộ cho các địa phương miền núi. Hàng năm, quy mô học sinh theo học tại trường cụ thể như sau: năm học 2010-2011 là 306, học sinh DTTS 282 em; năm học 2011-2012 là 317, học sinh DTTS 291 em; năm học 2012-2013 là 328, học sinh DTTS 296 em; năm học 2013-2014 là 372, học sinh DTTS 351 em.

Do vậy để nâng cao chất lượng giáo dục, giảng dạy trong các trường THPT vùng DTTS, các trường PTDT nội trú, ngay từ đầu năm học, các trường đã tổ chức ôn tập và tiến hành kiểm tra, rà soát, phân tích chất lượng, phân loại đối tượng học sinh. Các trường cũng đã xây dựng kế hoạch phụ đạo học sinh yếu kém, phân công giáo viên có năng lực và trách nhiệm để giảng dạy số đối tượng này. Việc phân loại đối tượng học sinh của các trường là nhằm có biện pháp kèm cặp và định hướng tổ chức hoạt động dạy học phù hợp như tổ chức dạy học 2 buổi/ngày, với phương pháp bám sát đối tượng, tăng cường bổ sung kiến thức, kỹ năng cho học sinh.

Ngoài ra, các trường đã đẩy mạnh phong trào dạy và học nhằm nâng cao chất lượng đại trà, ổn định nền nếp ngay từ đầu năm, thực hiện nghiêm túc đổi mới giáo dục phổ thông; sử dụng có hiệu quả thiết bị dạy học, trên cơ sở phát huy tính tích cực chủ động của học sinh, tạo nên phong trào học tập ở lớp và tự học. Thực hiện giảng dạy và đánh giá kết quả học tập của học sinh theo chuẩn kiến thức, kỹ năng; dạy đúng, đủ chương trình theo quy định của Bộ, không cắt xén chương trình và bảo đảm tiến độ chương trình theo quy định. Qua khảo sát, tổng số học sinh DTTS tốt nghiệp THCS năm học 2012-2013 là 352 em  (đạt tỉ lệ 98 %); học sinh DTTS tốt nghiệp THPT năm học 2012-2013 là 70 em (đạt tỉ lệ 86%).

Bên cạnh những thành quả đạt được thì công tác thực hiện nhiệm vụ phát triển giáo dục dân tộc vẫn còn những tồn tại nhất định do phong tục tập quán, đời sống sinh hoạt, ngôn ngữ trong giao tiếp, kỹ năng tiếp thu của học sinh. Do địa bàn xa, trải dài, giao thông chưa bảo đảm nên việc đi lại của học sinh gặp rất nhiều khó khăn, nhất là trong những ngày nghỉ. Hiện tượng tảo hôn chưa được hoàn toàn chấm dứt, cá biệt có học sinh bỏ học ở nhà cưới vợ từ đó ảnh hưởng trực tiếp đối với việc duy trì số lượng và nâng cao chất lượng giáo dục cho học sinh DTTS...

Đặc biệt, dân số đồng bào DTTS ngày càng tăng, con em dân tộc tốt nghiệp THCS đăng ký vào dự tuyển ở Trường PTDTNT tỉnh tăng đột biến mà hàng năm trường chỉ tuyển được khoảng 50% số học sinh đăng ký. Bởi lẽ điều kiện khuôn viên nhà trường chật hẹp, cơ sở vật chất trường lớp không bảo đảm để hàng năm tuyển sinh thêm học sinh. Cụ thể trường tuyển sinh vào lớp 10  trong 3 năm gần đây  như sau: năm học 2011-2012, học sinh đăng ký dự tuyển là 201 em, trúng tuyển 140 em, đạt tỷ lệ 69,6%; năm học 2012-2013, học sinh đăng ký dự tuyển là 258 em, trúng tuyển 140 em, đạt tỷ lệ 54,2%; năm học 2013-2014, học sinh đăng ký dự tuyển là 281 em, trúng tuyển 140 em, đạt tỷ lệ 49,2%.

Trong thời gian tới, để nâng cao công tác phát triển giáo dục dân tộc cấp THPT, ngành GD-ĐT sẽ tiếp tục đẩy mạnh “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, thực hiện cuộc vận động "Mỗi thầy giáo, cô giáo là một tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo" và phong trào thi đua "Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực". Thực hiện giảng dạy theo chuẩn kiến thức, kỹ năng; chú ý bổ sung kiến thức địa phương, văn hóa dân tộc; làm tốt nhiệm vụ phụ đạo học sinh yếu kém, bồi dưỡng học sinh giỏi. Riêng những trường có học sinh ở nội trú sẽ thực hiện phương pháp phân công cán bộ giáo viên hướng dẫn và quản lý học sinh trong giờ tự học đảm bảo an toàn và hiệu quả.

 

Hiện tỉnh ta có Minh Hoá là huyện vùng cao (là huyện nghèo trong số 63 huyện nghèo của cả nước), Tuyên Hóa là huyện miền núi và 4 huyện có miền núi là Lệ Thuỷ, Quảng Ninh, Bố Trạch, Quảng Trạch với 64 xã, thị trấn, 559 thôn bản.

Đồng bào dân tộc thiểu số có 21.461 người (chiếm 2.4% dân số toàn tỉnh và chiếm 8,2% dân số vùng miền núi), trong đó có 2 dân tộc thiểu số chính: Bru-Vân Kiều (Vân Kiều, Khùa, Ma Coong, Trì) với 3.530 hộ, 16.282 người; Chứt (Sách, Mày, Rục, A rem, Mã Liềng) với 1.336 hộ, 5.140 người.

Ngoài ra còn có các dân tộc thiểu số khác với số dân không nhiều như: Mường, Thổ, Thái, Tày, Nùng, Pa cô... Đồng bào dân tộc thiểu số tỉnh Quảng Bình sinh sống theo cộng đồng ở 105 thôn, bản thuộc 17 xã miền núi, vùng cao của các huyện Minh Hóa, Tuyên Hóa, Bố Trạch, Quảng Ninh và Lệ Thủy.

                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                M.V

 

Đóng góp ý kiến Bản in
Họ và tên
Nội dung hỏi
  Mã xác nhận: 3456

Lượt truy cập: 370572 lần

Đang online: 1 người