Chi bộ Đảng

Lịch sử hình thành và phát triển của Đảng bộ Quảng Bình

11/25/2012 10:48:34 PM

Ngày 03/02/1930, Đảng cộng sản Việt Nam ra đời. Tổ chức của Đảng cũng được xây dựng từ Trung ương đến cơ sở. Tại ba tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên, đồng chí Lê Viết Lượng xứ uỷ viên được xứ uỷ Trung kỳ giao nhiệm vụ xây dựng các tổ chức Đảng. Ở Quảng Bình ngày 24/4/1930 đồng chí Lê Viết Lượng đến ga Kẻ Rấy vận động chuyển Đông Dương Cộng sản Liên đoàn thành tổ chức Đảng Cộng sản. Đây là chi bộ cộng sản đầu tiên trên đất Quảng Bình.

     Năm 1929, một số thanh niên ở thôn Bãi Đức, xã Hương Hoá, Tuyên Hoá ra học ở huyện Hương Khê - Hà Tĩnh, được tổ chức Đảng giáo dục, 7 thanh niên ở Bãi Đức đã giác ngộ lý tưởng Cộng sản. Tháng 1 năm 1931, đồng chí Trần Ích, Bí thư tổng uỷ Xuân Khánh (Hà Tĩnh) vào tổ chức thành lập chi bộ Bãi Đức gồm 7 đảng viên, chỉ định đồng chí Trần Đình làm Bí thư, đồng chí Phạm Lệ làm phó bí thư.
    Tháng 10/1931, Trung ương giao trách nhiệm cho Tỉnh uỷ Quảng Trị phối hợp với Quảng Bình gây dựng các tổ chức Đảng ở Quảng Bình. Sau nhiều lần kiểm tra nắm bắt tình hình, tháng 10/1931 Tỉnh uỷ Quảng Trị cử đồng chí Đoàn Bá Thừa ra Lệ Thuỷ thành lập chi bộ ghép Mỹ Trung ( Mỹ Thổ và Trung Lực) tại miếu Thành Hoàng gồm 3 đồng chí: Lê Thuận Chất, Lê Thuận Sáng, Nguyễn Đông do đồng chí Lê Thuận Chất làm bí thư.
Sự ra đời của các chi bộ Đảng ở tỉnh ta đã đánh dấu bước ngoặt lịch sử quan trọng trong tiến trình cách mạng của Quảng Bình.
     Do tác động của cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới (1929 -1933). Ở Việt Nam nói chung, Quảng Bình nói riêng, thực dân Pháp và giai cấp địa chủ tăng cường bóc lột nông dân để bù đắp lại những thua thiệt của chúng do cuộc khủng hoảng kinh tế gây ra. Tình trạng trên dẫn đến đời sống nông dân ngày càng cơ cực. Mâu thuẫn giữa dân tộc Việt Nam và đế quốc Pháp, mâu thuẫn giữa nhân dân ta chủ yếu là nông dân với giai cấp địa chủ, phong kiến ngày càng sâu sắc.
     Trước tình hình đó, Đảng cộng sản Đông Dương đã chủ trương phát động quần chúng đứng lên đấu tranh để giành lại quyền lợi về chính trị, kinh tế và quyền lợi thiết thực của các giai tầng trong xã hội.
     Thực hiện chủ trương của Đảng, tại Quảng Bình nhân dịp kỷ niệm ngày quốc tế lao động 1/5, các tổ chức Đảng đã phát động một cuộc đấu tranh bằng hình thức rãi truyền đơn, treo cờ đỏ búa liềm ở cột cờ Hành Cung, trung tâm thị xã Đồng Hới. Việc cờ Đảng và truyền đơn cộng sản xuất hiện ở thị xã đã làm cho thực dân Pháp và tay sai hoang mang lo sợ và tìm mọi cách để dập tắt phong trào.
     Từ tháng 5 năm 1930 dưới sự lãnh đạo của xứ uỷ Trung Kỳ, mà trực tiếp là các tổ chức Đảng trên địa bàn Tỉnh. Phong trào đấu tranh của nhân dân Quảng Bình ngày càng phát triển mạnh mẽ với các hình thức như: bãi công, bãi khoá, đấu tranh phản đối chiến tranh đế quốc, ủng hộ Liên Xô, ủng hộ các dân tộc thuộc địa, đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền thắng lợi của công nông Nghệ Tĩnh,.v.v..
     Năm 1931, thực dân Pháp thẳng tay đàn áp, khủng bố các phong trào cách mạng, chúng lùng sục, bắt giam các đảng viên cộng sản, chính vì vậy cuộc đấu tranh bắt đầu nổ ra trong các nhà tù của thực dân Pháp. Tại nhà lao Đồng Hới chi bộ đã lãnh đạo tù nhân đấu tranh đòi cải thiện chế độ sinh hoạt của nhà lao, chống lao dịch, đòi đọc sách báo,v.v. các cuộc đấu tranh này đã giành được thắng lợi bước đầu.
     Tại Quảng Trạch một số thanh niên yêu nước đã bí mật liên lạc với các tổ chức Đảng ở Nghệ Tĩnh, tiến hành các cuộc đấu tranh, in và rải truyền đơn dọc đường xe lửa và chợ Ba Đồn. Tại Lệ Thuỷ chi bộ Đảng ở Mỹ Trung đã lập được 7 tổ thanh niên trung kiên, gồm có 21 người, qua rèn luyện và thử thách số thanh niên đã tỏ ra dũng cảm, thể hiện rỏ lòng căm thù đế quốc phong kiến.
     Cao trào cách mạng (1930 - 1931) là cuộc tổng diễn tập lần thứ nhất của Đảng ta và của quần chúng cách mạng để tiến tới tổng khởi nghĩa tháng Tám năm 1945.
     Trước phong trào đấu tranh sôi sục của giai cấp công nhân và nhân dân lao động, thực dân Pháp đã dùng mọi âm mưu, thủ đoạn xảo quyệt hy vọng có thể bóp chết phong trào cách mạng. Ơ Quảng Bình chúng tăng cường bộ máy đàn áp, bọn mật thám tổ chức mạng lưới theo dõi, chỉ điểm từ tỉnh đến thôn xã, các đồng chí đảng viên thuộc chi bộ ga Kẻ Rấy, Mỹ Trung bị bắt bớ, tù đày. Các hội viên nông hội, công hội, cứu tế đỏ cũng bị chúng xét hỏi, tống giam.
     Ngoài những thủ đoạn tăng cường khủng bố, đàn áp thực dân  Pháp và tay sai cấu kết chặt chẽ với nhau thi hành một số biện pháp cải cách về chính trị, kinh tế, xã hội ở Việt nam, nhằm lừa bịp, mỵ dân, xoa dịu tinh thần đấu tranh của quần chúng, đánh lạc hướng dư luận và che dấu chính sách độc quyền về kinh tế, chuyên chế về chính trị của chúng.
     Trong điều kiện đó việc đấu tranh để khôi phục và phát triển phong trào cách mạng là một thử thách lớn đối với các chi bộ Đảng ở Quảng Bình. Tuy nhiên từ năm 1932 đến năm 1935 các phong trào đấu tranh diễn ra phong phú và linh hoạt hơn như: Phong trào học tập văn hoá, học tập lý luận chính trị ngay trong nhà lao Đồng Hới, tổ chức động viên, ca ngợi ý chí bất khuất của đồng chí đồng đội; tuyên truyền giáo dục quần chúng chống lại bọn quan lại cường hào. Đặc biệt các cuộc đấu tranh của nhân dân có sự lãnh đạo trực tiếp của tổ chức Đảng, đó là chi bộ Mỹ Trung, chi bộ Lũ Phong ( Quảng Trạch ), các chi bộ đã tổ chức cho nhân dân mít tinh, biểu tình đòi lại ruộng đất cho nông dân; công khai vạch trần ách áp bức, bóc lột của giai cấp địa chủ, kêu gọi nhân dân đi theo cách mạng...
     Trước sức ép của dư luận tiến bộ ở Pháp, Chính phủ mặt trận nhân dân Pháp buộc phải quyết định toàn xá chính trị phạm và thi hành một số cải cách xã hội ở các nước thuộc địa. Chính vì vậy, ở Quảng Bình các đảng viên Đảng Cộng sản đã được trả tự do.
     Sau khi được trả tự do, các đồng chí đảng viên cộng sản, đã tiến hành cũng cố các tổ chức Đảng trong tỉnh, phát động các phong trào đấu tranh đòi dân sinh, dân chủ. Mở đầu cho cuộc đấu tranh thời kỳ này là phong trào toàn dân công khai thảo luận đề đạt nguyện vọng của mình gửi lên phái đoàn chính phủ Pháp sắp sang điều tra tình hình ở Việt Nam và xứ Đông Dương. Phong trào đã dấy lên rộng khắp trong toàn tỉnh. Phong trào đã phát triển thành những cuộc mít tinh, hội họp, truyền cho nhau kinh nghiệm đấu tranh với bọn quan lại, hào lý.v.v.. từ đó tạo nên không khí phấn khởi, hồ hởi trong dân chúng.
     Tiếp theo là cuộc đấu tranh tuyển cử vào viện Dân biểu Trung kỳ (khoá III).Tại cuộc tuyển cử này, hàng trăm cử tri Quảng Bình đã được nghe tuyên truyền, giải thích  mục đích, ý nghĩa của cuộc vân động tuyển cử, vì vậy quần chúng đã đi bỏ phiếu với thái độ tích cực. Kết quả 2 ứng cử viên Nguyễn Xuân Các và Hoàng Chánh Đống do Mặt trận dân chủ giới thiệu đã trúng cử vào viện Dân biểu Trung kỳ.
     Mặc dù chưa có một tổ chức Đảng thống nhất nhưng các cuộc đấu tranh đòi dân sinh, dân chủ đã đem lại quyền lợi thiết thực cho quần chúng và đã tác động đến mọi tầng lớp nhân dân trong xã hội, nâng cao tinh thần dân tộc cho mỗi người. Tuy nhiên, thời kỳ này công tác xây dựng Đảng, phát triển Đảng không đồng đều, việc củng cố các chi bộ còn chậm và thiếu thống nhất. Đây thực sự là bài học kinh nghiệm trong xây dựng Đảng vững mạnh để làm nồng cốt cho cuộc đấu tranh tiếp theo.
     Ngày 1 tháng 9 năm 1939, chiến tranh thế giới thứ hai bùng nổ đã ảnh hưởng mạnh mẽ và trực tiếp đến nước ta. Ở Đông Dương, thực dân Pháp điên cuồng tiến công Đảng cộng sản và các đoàn thể quần chúng cách mạng. Một số quyền tự do dân chủ giành được trong thời kỳ 1936 -1939 bị thủ tiêu. Thực dân Pháp thực hành cai trị bằng các chính sách hà khắc. Các giai cấp, tầng lớp trong xã hội Việt Nam đều bị ảnh hưởng bởi những chính sách phản động của thực dân Pháp.
     Trước tình hình trên, tháng 11/1939, Trung ương Đảng đã triệu tập Hội nghị lần thứ 6 tại Bà Điểm ( Gia Định). Căn cứ vào tình hình các mặt trong nước và thế giới, Hội nghị xác định mục tiêu chiến lược trước mắt của cách mạng Đông Dương là đánh đổ đế quốc và tay sai, giải phóng các dân tộc Đông Dương, làm cho Đông Dương hoàn toàn độc lập. Hội nghị chủ trương thành lập Mặt trận dân tộc thống nhất phản đế Đông Dương thay cho Mặt trận dân chủ.
     Tiếp theo là Hội nghị Trung ương 7 (9/11/1940). Hội nghị khẳng định sự chỉ đạo chiến lược cách mạng Việt Nam do Hội nghị BCH Trung ương 6 đề ra là hoàn toàn đúng đắn, đồng thời Hội nghị đề ra nhiệm vụ '' Đảng phải chuẩn bị để giành lấy cái sứ mệnh thiêng liêng lãnh đạo các dân tộc bị áp bức Đông Dương, vũ trang bạo động giành quyền tự do độc lập''.
     Tháng 5/ 1941, Trung ương Đảng triệu tập Hội nghị Trung ương 8. Trên cơ sở phân tích một cách sâu sắc tình hình thế giới và trong nước, Hội nghị đã phát triển và hoàn thiện các Nghị quyết Trung ương lần thứ 6 và thứ  7 về giải phóng dân tộc, chuẩn bị mọi điều kiện để tiến tới khởi nghĩa giành chính quyền trong toàn quốc.
     Đầu năm 1942, Nghị quyết Trung ương 8 đã đến được với các tổ chức cơ sở Đảng ở Quảng Bình. Nội dung Nghị quyết Trung ương 8 như một luồng gió mới vạch đường, chỉ lối cho các tổ chức Đảng, đảng viên trong tỉnh, đưa phong trào cách mạng tỉnh nhà chuyển sang một bước ngoặt lịch sử mới. Chỉ trong một thời gian ngắn, phong trào cách mạng ở Quảng Bình đã có những bước chuyển biến mạnh mẽ. Tổ chức Đảng được cũng cố vững mạnh. Mặt trận Việt Minh đã được thành lập nhiều nơi, niềm tin của quần chúng nhân dân vào cách mạng được nâng lên.
     Đến đầu năm 1943, nhận thấy phong trào cách mạng phát triển mạnh mẽ, thực dân Pháp đã tổ chức bọn mật thám lùng sục, bắt bớ một số đảng viên của ta và đánh phá các tổ chức Đảng ở Mỹ Trung, Quảng Trạch, Lệ Thuỷ. Trước tình hình đó các tổ chức Đảng và đảng viên đã kịp thời, chủ động có biện pháp đối phó, chống khủng bố. Số đảng viên có khả năng bị lộ tạm lánh đi nơi khác như sang Lào, Thái Lan, số còn lại ổn định tinh thần cho quần chúng; những nơi chưa bị lộ như Bố Trạch, Đồng Hới, Quảng Ninh vẫn tiếp tục hoạt động nhưng hết sức đề cao cảnh giác để phòng địch khủng bố dây chuyền. Chính nhờ chủ trương đúng đắn kịp thời và khôn khéo của các tổ chức Đảng nên mặc dù bị kẻ thù khủng bố khốc liệt, cơ sở Đảng và phong trào cách mạng không bị dập tắt.
     Giữa lúc phong trào cách mạng ở Quảng Bình đang bị địch khủng bố khốc liệt thì nạn đói năm Ất Dậu do chính sách vơ vét của thực dân Pháp và phát xít Nhật gây ra ập đến. Cuối năm 1944 đầu năm 1945, nạn đói mặc sức hoành hành từ nông thôn đến thành thị. Trước tình hình đó, các tổ chức Đảng đã bàn bạc và tìm chủ trương chống đói. Sau khi có chủ trương ở hầu hết các huyện, thị đều thành lập hội đồng cứu đói do tổ chức Đảng và đảng viên làm nồng cốt. Các chợ như Ba Đồn, Hoàn Lão, Đồng Hới, v.v.. đều có nấu cháo phân phát cho dân địa phương và những hành khách qua đường. Hội đồng cứu đói còn vận động hàng trăm người đi phá kho thóc của Nhật chia cho dân nghèo. Cuộc đấu tranh chống đói ở Quảng Bình là mồi lửa nhen đúng lúc, đáp ứng nguyện vọng các tầng lớp nhân dân  lúc bấy giờ.
     Năm 1945, Hồng quân Liên Xô quét sạch phát xít Đức ra khỏi bờ cỏi và tiếp tục truy kích chúng đến tận sào huyệt Đức Quốc xã. Trên mặt trận Thái Bình Dương, quân đội Nhật liên tiếp bị thất bại, phát xít Nhật  lung lay tận gốc.
     Ở Đông Dương, thực dân Pháp âm mưu chờ đợi quân Đồng minh vào đánh Nhật sẽ ngóc đầu dậy khôi phục quyền thống trị của chúng. Mâu thuẫn Pháp -Nhật ngày càng gay gắt, trước tình hình đó buộc Nhật phải làm cuộc đảo chính hất cẳng Pháp (9/3/1945), độc chiếm Đông Dương, ngăn ngừa hậu hoạ khi quân Đồng minh kéo vào.
     Trước tình hình chuyển hướng nhanh chóng ở trong nước và trên thế giới, từ ngày 9 đến 12 tháng 5 năm 1945, Ban thường vụ Trung ương họp hội nghị mở rộng tại làng Đình Bảng (Bắc Ninh). Hội nghị chủ trương ''phát động một cao trào kháng Nhật cứu nước mạnh mẽ làm tiền đề cho cuộc khởi nghĩa'' nội dung Hội nghị được trình bày trong chỉ thị: '' Nhật - Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta''.
     Ở Quảng Bình các Nghị quyết của Trung ương, các chỉ thị quan trọng như chỉ thị  "Nhật - Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta"; chỉ thị về "Chuẩn bị khởi nghĩa" của Tổng bộ Việt Minh không đến kịp thời gian, nhưng với ý thức giác ngộ đã được ăn sâu vào quần chúng và đảng viên sau khi thực hiện nghị quyết 8 của Trung ương, các tổ chức Đảng đã lãnh đạo quần chúng nhân dân tiếp tục đấu tranh, diễn thuyết kêu gọi các tầng lớp nhân dân đoàn kết, chống Nhật cứu nước.
     Cuối tháng 6/1945 đồng chí Hồng Xích Tâm mang theo chỉ thị '' Nhật - Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta'' và các tài liệu của Tổng bộ Việt Minh vào công tác ở Quảng Bình. Đồng chí Hồng Xích Tâm đã gặp các đồng chí Võ Hồng Thanh và Võ Văn Quyết ở huyện Lệ Thuỷ, các đồng chí đã cùng nhau bàn bạc và phân công nhau đi chắp nối với các tổ chức cơ sở Đảng ở các huyện,thị để mở Hội nghị toàn tỉnh, tiếp thu chủ trương của Trung ương, Xứ uỷ và thống nhất lực lượng lãnh đạo trong toàn tỉnh.
     Ngày 2/7/1945, một cuộc Hội nghị cán bộ Đảng được triệu tập tại chùa An Xá (Lệ Thuỷ), sau khi đánh giá tình hình, Hội nghị đã đưa ra nhiệm vụ trước mắt và sự cấp thiết phải củng cố, mở rộng các tổ chức Đảng, thống nhất các lực lượng Việt Minh trong tỉnh, chuẩn bị mọi điều kiện cho cuộc khởi nghĩa giành chính quyền.
     Tiếp theo hội nghị cán bộ Đảng ở An Xá, ngày 4/07/1945, Hội nghị Việt Minh toàn tỉnh được triệu tập tại trại sản xuất An Sinh ( Lệ Thuỷ). Sau khi thảo luận và quán triệt các văn bản của Trung ương, của Tổng bộ Việt Minh và tinh thần nội dung Hội nghị cán bộ Đảng ở An Xá. Hội nghị đã nhất trí thống nhất lực lượng Việt Minh trong toàn tỉnh lấy bí danh là ''Việt Minh cô Tám''; chủ trương phát triển mạnh các đoàn thể cứu quốc; tổ chức lực lượng tự vệ tập trung, xây dựng khu căn cứ cách mạng, v.v.. Hội nghị đã bầu Ban chấp hành Việt Minh tỉnh gồm 7 đồng chí do Nguyễn Văn Đồng làm chủ nhiệm.
     Sau các Hội nghị lịch sử trên, phong trào cách mạng ở Quảng Bình có bước phát triển nhảy vọt. Nhiều cuộc mít tinh nổ ra, các đội tuyên truyền xung phong bám cơ sở, đi sâu vào quần chúng giải thích chương trình điều lệ Việt Minh, kêu gọi các tầng lớp nhân dân đoàn kết đứng lên chống Nhật cứu nước. Đến đầu tháng 8/1945 công cuộc chuẩn bị cho một cuộc khởi nghĩa giành chính quyền ở Quảng Bình đã tương đối đầy đủ, chu đáo, toàn diện. Như vậy, điều kiện cho một cuộc khởi nghĩa vũ trang đã xuất hiện, thời cơ đã chín muồi.
     Ngày 15/8/1945 cơ sở Việt Minh ở Thị xã Đồng Hới nắm được tin Nhật đầu hàng đã báo cho Tỉnh bộ Việt minh ở khu căn cứ Võ Xá. Ngay trong ngày Tỉnh bộ Việt Minh đã mở hội nghị bàn kế hoạch khởi nghĩa, Hội nghị nhận định thời cơ khởi nghĩa giành chính quyền đã đến và cử người xin ý kiến của Trung ương và Xứ uỷ.
Ngày 17/8/1945, Hội nghị cán bộ Việt Minh được triệu tập tại Thị xã Đồng Hới để tiếp nhận lệnh khởi nghĩa của Trung ương do đồng chí Tố Hữu trực tiếp truyền đạt. Hội nghị quyết định lấy ngày 23/8/1945 làm khởi nghĩa chung cho toàn tỉnh; Khởi nghĩa giành chính quyền ở tỉnh lỵ Đồng Hới và các phủ huyện trong cùng một ngày, cùng một lúc sau đó giải quyết hệ thống chính quyền tổng xã.
     Mười hai giờ đêm 22 tháng 8 năm 1945, Uỷ ban khởi nghĩa tỉnh quyết định ban bố lệnh khởi nghĩa. Mặt trận Việt Minh và uỷ ban khởi nghĩa lãnh đạo quần chúng trong toàn tỉnh đồng loạt vùng lên khởi nghĩa giành chính quyền.
     8 giờ sáng ngày 23/8/1945, tại buổi mít tinh uỷ ban khởi nghĩa làm lễ ra mắt, tuyên bố thành lập UBND cách mạng và thông báo trước đồng bào thắng lợi của cuộc khởi nghĩa giành chính quyền.
Cuộc khởi nghĩa giành chính quyền thắng lợi ở Quảng Bình đã góp phần cùng đồng bào cả nước đập tan ách thống trị đế quốc, phong kiến, giải phóng nhân dân ta thoát khỏi cuộc đời nô lệ, đói khổ lầm than.
     Cách mạng tháng Tám thành công đã mở ra một trang sử mới vô cùng vẽ vang của dân tộc Việt Nam. Cùng với cả nước, nhân dân Quảng Bình đã giành chính quyền trong tay phát xít Nhật và bè lũ tay sai, góp phần đập tan xiềng xích nô lệ gần một trăm năm của đế quốc thực dân, đạp đổ ngai vàng phong kiến ngự trị ngót hàng ngàn năm trên đất nước ta, giành lại độc lập tự do cho dân tộc.
     Thắng lợi của cuộc cách mạng tháng Tám ở Quảng Bình là một mốc son lớn, là bước ngoặt lịch sử vĩ đại đánh dấu sự đổi đời của các tầng lớp nhân dân trong tỉnh. Từ những người dân mất nước, nô lệ, lầm than đã trở thành người dân của một nước độc lập, tự do, tự làm chủ vận mệnh bản thân mình.
     Cách mạng tháng Tám thành công trước hết là nhờ đường lối cách mạng đúng đắn của Đảng ta, uy tín lớn lao của Chủ tịch Hồ Chí Minh và sức mạnh to lớn của quần chúng bị áp bức, đè nén bao nhiêu năm dưới chế độ tối tăm, mục nát của thực dân phong kiến. Đồng thời thắng lợi của cách mạng tháng Tám ở Quảng Bình còn là kết quả bao nhiêu năm bền bỉ đấu tranh của các tổ chức cơ sở Đảng, các đảng viên và Đảng bộ Quảng Bình.
     Cách mạng tháng Tám thành công, chính quyền cách mạng được thành lập, nhưng lại vấp phải muôn vàn  khó khăn. Dưới danh nghĩa đồng minh, quân Tưởng, quân Anh, Pháp kéo vào đóng rải rác khắp đất nước ta. Bọn phản động lưu vong theo quân Tưởng về nước cấu kết chặt chẽ với bọn phản động trong nước nổi dậy. Cùng với giặc ngoại xâm,  giặc đói và giặc dốt đang hoành hành trên đất nước ta. Tình thế " Ngàn cân treo sợi tóc"  thử thách vai trò lãnh đạo của Đảng cộng sản Việt Nam.
     Cùng với khó khăn chung của đất nước, Tỉnh Quảng Bình còn có khó khăn rất lớn đó là Đảng bộ tỉnh chưa thành lập, Ban vận động thành lập Đảng chỉ có ba đồng chí, toàn tỉnh số lượng đảng viên còn ít, lại phân bố không đều, chính quyền chưa đủ mạnh, các đoàn thể chưa được kiện toàn. Về quân sự tuy có quân giải phóng, nhưng các huyện, thị chưa có lực lượng vũ trang tập trung. Đứng trước tình hình mới, Các tổ chức Đảng ở Quảng Bình đã xác định  nhiệm vụ cấp thiết nhất đó là củng cố Đảng và chính quyền, xây dựng chế độ mới và lãnh đạo cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược.
     Căn cứ vào tình hình chung toàn quốc và của Tỉnh Quảng Bình, ngày 7/10/1945 Ban vận động thống nhất Đảng đã triệu tập hội nghị cán bộ Đảng toàn tỉnh tại thị xã Đồng Hới để quán triệt chỉ thị của BCH TW Đảng về phương hướng và biện pháp đầu tiên xây dựng chế độ mới, đối phó với các lực lượng đế quốc và phản động tiến vào đất nước ta . Hội nghị đã đánh giá lại đội ngũ cán bộ, đảng viên, rà soát lại các tổ chức cơ sở Đảng, chủ trương thành lập ngay các huyện uỷ , thị uỷ ở những huyện, thị chưa thành lập để kịp thời lãnh đạo kháng chiến, kiến quốc ở địa phương; Chủ trương củng cố và phát triển các đoàn thể quần chúng trong Mặt trận Việt Minh ở cơ sở, xây dựng lực lượng vũ trang, xây dựng ở mỗi huyện, thị một Đại đội tự vệ, chiến đấu tập trung, mỗi xã một trung đội, xây dựng xưởng quân khí ở Qui Hậu ( Lệ Thuỷ), phát động phong trào ủng hộ nuôi quân, rèn vũ khí cho dân quân tự vệ, gửi quân Nam tiến, Tây tiến, thông qua kế hoạch thành lập Đại đội Phú Quý. Hội nghị đã bầu ra BCH tỉnh Đảng bộ lâm thời gồm 7 đồng chí, do Nguyễn Đình Chuyên giữ chức Bí thư .
     Việc mở Hội nghị ( có tính chất như một Đại hội) thống nhất Đảng, bầu Ban chấp hành Đảng bộ đã khẳng định tính thống nhất tổ chức, thống nhất lãnh đạo, thống nhất hành động trong toàn tỉnh, là bước ngoặc lịch sử mở đầu cho một thời kỳ phát triển mới của Đảng bộ và nhân dân Quảng Bình
     Sau Hội nghị, Đảng bộ đã lãnh đạo thực hiện  cuộc bầu cử Quốc hội ngày 6/1/1946 thắng lợi. Kết quả có 100% cử tri đi bỏ phiếu. Đại biểu Quốc hội trúng cử với đa số phiếu. Sau thắng lợi của cuộc bầu cử Quốc hội là sự thắng lợi của cuộc bầu cử Hội đồng nhân dân các cấp. Chính quyền cách mạng từ tỉnh xuống huyện, xã được củng cố. Địa giới của xã được tổ chức lại. Đảng và chính quyền có uy tín lớn trong quần chúng nhân dân.
     Song song với việc củng cố Đảng, chính quyền, Đảng bộ và chính quyền trong tỉnh lãnh đạo nhân dân ra sức thực hiện các nhiệm vụ cấp bách do Hội đồng Chính phủ đề ra đó là thực hiện tốt phong trào"tăng gia sản xuất", "thực hành tiết kiệm",  "xây dựng quỹ độc lập"...  Những chủ trương trên đã tạo điều kiện cho nhân dân phát triển được sản xuất đẩy lùi được nạn đói. Với tinh thần yêu nước nhân dân đã hưởng ứng đóng góp tiền vàng, để giải quyết khó khăn về tài chính. Chỉ trong thời gian ngắn nhân dân Quảng Bình đã đóng góp được 395 đồng bạc thật, 11 nén bạc, 33 kg nữ trang bằng bạc vàng. Cùng với việc giải quyết khó khăn về kinh tế tài chính, Đảng bộ đã lãnh đạo nhân dân thực hiện chủ trương xây dựng đời sống mới, xoá bỏ các tập tục lạc hậu, các tệ nạn xã hội. Vì vậy trong thời gian ngắn các tập tục lạc hậu, các tệ nạn xã hội được bãi bỏ. Mạng lưới thông tin tuyên truyền được tổ chức từ Tỉnh về cơ sở. Các hình thức văn nghệ báo chí được đưa về tận nhân dân, phong trào bình dân học vụ phát động rộng khắp toàn tỉnh. Một bộ phận lớn nhân dân đã biết đọc, biết viết chữ quốc ngữ. Ngành giáo dục phổ thông được thành lập, hàng vạn con em Quảng Bình được cắp sách đến trường.
     Mặt khác, đáp lời kêu gọi của Hồ Chủ Tịch và thực hiện sự chỉ đạo của Hội nghị Ban Thường vụ TW, nhân dân Quảng Bình sục sôi chuẩn bị kháng chiến. Tỉnh uỷ họp khẩn cấp quán triệt nghị quyết, Chỉ thị và lời kêu gọi của TW Đảng và Hồ Chủ Tịch. Thành lập uỷ ban  kháng chiến. Tổ chức xây dựng các phòng tuyến chống Pháp, thực hiện chính sách tiêu thổ kháng chiến, chuyển hầu hết các cơ quan hành chính, xí nghiệp, kho tàng lên chiến khu Tuyên Hoá để thực hiện chủ trương kháng chiến. Công tác sơ tán nhân dân lên các khu an toàn được xúc tiến. Mỗi huyện xã đều có ban tản cư chuyên trách lo việc sơ tán cho dân. Vấn đề chống phòng gian, cơ hội cũng được đặt ra, mỗi huyện đều có ban công an cùng nhân dân lo giữ trật tự trị an. Bên cạnh công tác sơ tán Đảng bộ còn chỉ đạo vấn đề dự trữ lương thực, dược liệu, lập các trạm, bệnh viện tuyến trước, bệnh viện quân y ở Tuyên Hoá để chữa trị bệnh cho quân và dân. Để thuận lợi cho việc sơ tán của nhân dân Thị xã Đồng Hới, tỉnh quyết định cắt phía bắc huyện Quảng Ninh nhập vào thị xã để thị xã có khu vực địa hình rừng núi, việc thay đổi địa giới hành chính cho một thành thị trong thời điểm khó khăn là một việc làm "đặc trưng của tỉnh ta".
Như vậy, trong hoàn cảnh khó khăn gấp rút xuất phát từ tình hình thực tế địa phương Đảng bộ đã chủ trương, triển khai đường lối kháng chiến đầy đủ, phù hợp đặc điểm địa phương là thể hiện nhãn quan chính trị và khả năng lãnh đạo cách mạng của mình. Đây là thành công lớn của Tỉnh Đảng bộ trong quá trình chuẩn bị kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược......

      Xin mời tải Tệp đính kèm dưới đây về máy để xem chi tiết và đầy đủ "Tóm tắt lịch sử Đảng bộ tỉnh Quảng Bình"


Những tệp tin đính kèm:

Đóng góp ý kiến Bản in
Họ và tên
Nội dung hỏi
  Mã xác nhận: 2555

Lượt truy cập: 369606 lần

Đang online: 1 người