Bản tin Nhà trường

TRỞ NGẠI TRONG VIỆC PHỐI HỢP VỚI PHỤ HUYNH HỌC SINH TRƯỜNG PT DÂN TỘC NỘI TRÚ TỈNH - NỔI NIỀM CỦA GIÁO VIÊN CHỦ NHIỆM

11/1/2018 8:26:29 AM

Con cái là niềm tự hào của bố mẹ, là hạnh phúc mà bố mẹ nào cũng khát khao. Học sinh là sản phẩm giáo dục của nhà trường, là niềm tự hào của thầy cô về quá trình giáo dục của mình. Một trong những người tác động đến nhân cách và sự trưởng thành của các em trong nhà trường đó là giáo viên chủ nhiệm lớp. Ai cũng biết giáo viên chủ nhiệm lắm niềm vui, nhiều hạnh phúc, nhưng ở đời là vậy, niềm vui và hạnh phúc thì lộ rõ ra ngoài, còn những trăn trở phiền muộn lại lặn cả vào trong. Phối hợp với phụ huynh học sinh trong công tác giáo dục nâng cao chất lượng toàn diện của học sinh tại trường PT Dân tộc nội trú là một ví dụ...

1. Thực trạng của việc phối hợp với phụ huynh học sinh tại trường nội trú Tỉnh.

Trách nhiệm giáo dục toàn diện học sinh là của toàn xã hội, nhưng một lực lượng giáo dục có tính mạnh mẽ, chi phối đến việc hình thành nhân cách của các em đó chính là gia đình- là phụ huynh. Đã có không ít những em học sinh cá biệt, đi vào con đường lầm lỗi trở về cuộc sống lương thiện nhờ làm tốt công tác phối hợp giáo dục giữa gia đình- nhà trường- xã hội. Sức mạnh và ảnh hưởng của phụ huynh trong việc giáo dục học sinh là điều không ai có thể phủ nhận. Nhưng là giáo viên chủ nhiệm tại một trường dân tộc thiểu số, chúng tôi đôi khi gặp những tình huống dở khóc dở cười...

Khác với các Trường THPT khác trên địa bàn, Trường PT dân tộc nội trú Quảng Bình là nơi đào tạo chỉ dành riêng cho con em dân tộc thiểu số trên địa bàn Tỉnh. Học sinh là người của nhiều dân tộc khác nhau như Vân Kiều, Khùa, Sách, Mày, Macoong, Mã Liềng, Arem, Rục... và một số rất ít dân tộc Kinh. Với đặc thù ấy, công việc phối hợp với phụ huynh gặp không ít những trở ngại mà đôi khi những nguyên tắc giáo dục được học không phải lúc nào cũng có thể ứng dụng được.

 Đành rằng đa số phụ huynh đều quan tâm đến con em mình, nhưng mức độ quan tâm và cách quan tâm không hoàn toàn giống nhau. Cũng không phải không có những phụ huynh thờ ơ, vô cảm. Với họ, tâm lí tự nhiên vẫn còn đè nặng. Họ chưa nhận thức được đầy đủ và sâu sắc việc học tập và rèn luyện của con em mình ở nhà trường phổ thông. Khi mang con đến nhập học, họ có tư tưởng “khoán trắng” cho nhà trường, cho nhà nước. Có phụ huynh khi được gặp còn trao đổi tự nhiên “ bầy tui chỉ biết đẻ thôi, việc nuôi thì có nhà nước, việc giáo dục thì của các thầy các cô”. Ở cơ sở giáo dục nào cũng có những hiện tượng như thế, không có gì mới mẻ, nhưng là trường dân tộc nội trú thì điều đó nhiều hơn, số lượng đó chiếm đa số hơn.

Tôi còn nhớ như in những năm mới làm công tác chủ nhiệm tại trường!

Gọi phụ huynh để cùng phối hợp giáo dục khi học sinh vi phạm nội qui trường học có hệ thống, sau bao công đoạn nhắn gửi cuối cùng tôi cũng được trao đổi điện thoại trực tiếp với phụ huynh về tình hình học sinh, tất cả không như tôi mong đợi, họ mập mờ không biết con mình lớp mấy và học với ai, cuối cùng họ chốt một câu xanh rờn. “Ai làm nấy chịu, tui còn bận đi rừng, hắn học được thì cô cho hắn học, hắn không học được thì cô cứ cho về...”.

Một lần khác học sinh uống rượu rồi gây gỗ đánh đập nhau, chúng tôi gọi phụ huynh đến để cùng phối hợp giáo dục, khi họ đến trường, họ chưa ý thức đúng về lỗi lầm của con em mình, họ “cười như mùa thu tỏa nắng” rất vinh dự tự hào được “mời” về trường.

Lại có trường hợp, phụ huynh về trường chưa gặp Thầy cô thì cha con, chú bác đã gặp nhau, cùng “chén chú chén anh” rồi gây lộn. Vốn đang định trao đổi về tình hình học sinh cô bổng biến thành thành viên của tổ hòa giải bất đắc dĩ. Có lúc cô đang trình bày với phụ huynh về tệ nạn uống rượu, bia đang tràn vào trường học gây ra những hậu quả đáng tiếc thì được phụ huynh trao đổi tự nhiên:“Trên bầy tui, uống rượu là một nét văn hóa văn nghệ của địa phương”...là giáo viên chủ nhiệm bạn sẽ phối kết hợp như thế nào trong những tình huống ấy?...

Chưa hết, khi học sinh ốm đau phải nhập viện giữa đêm khuya, sau khi ổn định thủ tục tôi gọi phụ huynh để sắp xếp về chăm sóc con mình thì được trả lời trươn tuột: “Ôi tui về mô được cô, đường sá xa xôi, hắn đau mai bữa hắn lành, bệnh hắn tui biết, hắn không chết được mô mà cô lo”; thế là cô chủ nhiệm và lớp lại thi nhau vào viện chăm sóc người ốm...đa số thì rồi cũng về cảm ơn cô và gửi lại tiền viện phí mà cô đã nộp cho cháu, nhưng cũng có những trường hợp không đã động gì, coi chuyện ốm đau của con em mình là trách nhiệm của nhà nước và người có nghĩa vụ chăm sóc con mình những lúc ốm đau là cô chủ nhiệm. Họ nói rất hồn nhiên: “bầy tui đau ốm đều có thẻ bảo hiểm lo hết”, khi được hỏi: ai là người chăm sóc nuôi nấng cháu trong những ngày ốm đau thì có phụ huynh trả lời “ngày bựa có bạn bè hắn, mà không thì hắn tự mà lo”.

Muôn nỗi không thể giải bày!

2. Một số hướng khắc phục trở ngại trong việc phối hợp với phụ huynh học sinh.

Tầm quan trọng của việc phối kết hợp Gia đình- nhà trường- xã hội nhằm nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện học sinh là một điều không thể thiếu nếu muốn có kết quả giáo dục tốt. Vấn đề là trong sự phối hợp ấy ai là người chủ động, ai là người hợp tác? Câu trả lời không xa lạ gì với tất cả những người làm công tác chủ nhiệm giỏi và có kinh nghiệm. Giáo viên chủ nhiệm đương nhiên phải là người chủ động, người làm cầu nối giữa nhà trường với phụ huynh, với các tổ chức trong nhà trường để nâng cao chất lượng giáo dục học sinh toàn diện.

Ngay từ buổi họp phụ huynh đầu cấp học (khi phụ huynh đưa con em mình về nhập học), chúng tôi đã tranh thủ lồng ghép trong các nội dung họp về trách nhiệm của gia đình trong việc giáo dục toàn diện học sinh, để phụ huynh phần nào thấy được vị trí và tầm quan trọng của cha mẹ đối với sự trưởng thành của con cái.

Hai là giáo viên chủ nhiệm phải phân loại được phụ huynh học sinh của mình: Phụ huynh không quan tâm con cái do bận rộn làm ăn thì nhắc nhở họ; phụ huynh không quan tâm con cái đúng mức do nhận thức thì tận tình giải thích, trao đổi đơn giản hóa các vấn đề phức tạp; phụ huynh ỉ lại do có chế độ của nhà nước, có sự ưu ái của nhà trường thì nói rõ trách nhiệm của các bên trong phối hợp giáo dục học sinh...; tận dụng những phụ huynh có trách nhiệm với việc học tập của con em mình trên địa bàn có học sinh lớp chủ nhiệm để nêu gương, để họ tin rằng giáo dục các em phát triển một cách toàn diện là trách nhiệm không phải của riêng nhà trường mà có được. Mặt khác bạn cũng đừng quên kể ra những học sinh đã từng đi sai đường trong các khóa học sinh trước, nhờ sự phối hợp chặt chẽ giữa phụ huynh và giáo viên mà trở về đúng quỹ đạo...

Ba là không phải lỗi lầm gì học sinh mắc phải cũng gọi phụ huynh, mà phải cân nhắc, lựa chọn vấn đề nào nên trao đổi và vấn đề nào thì giáo viên chủ nhiệm phải tự xử lí với học sinh, bởi điều kiện hoàn cảnh và tầm nhận thức của phụ huynh học sinh không giống nhau, hơn nữa còn là phụ huynh của những học sinh dân tộc thiểu số.

Thiết nghĩ, để làm tốt công tác chủ nhiệm tại trường dân tộc nội trú, giáo viên chủ nhiệm phải mặc định rằng mình vừa là giáo viên chủ nhiệm, vừa là phụ huynh học sinh. Có nghĩa bạn vừa phải thực hiện những nhiệm vụ của một giáo viên chủ nhiệm theo điều lệ của nhà trường THPT vừa phải có trách nhiệm của gia đình đối với sự phát triển toàn diện của con em mình.  Nói một cách dễ hiểu vừa bám sát các em, quan tâm các em, yêu thương và uốn nắn kịp thời những sai lầm, khuyết điểm của các em, vừa lo cho các em như con cái của mình. Từ chuyện các em ăn có no không? mặc có ấm không? các em ngủ có ngon không? học tập có tiến bộ không...đến chuyện các em có ẩn ức gì trong lòng không? có những biến động gì trong tâm lí không? có bị khủng hoảng tinh thần vì thất tình lục dục không?...phải đứng trên lập trường một giáo viên chủ nhiệm, đứng trên cương vị phụ huynh để nghĩ cho các em, lo cho các em và làm những điều tốt nhất cho các em.

Nhà văn Mark Twain đã từng nói: “Lòng tốt là thứ ngôn ngữ mà người điếc có thể nghe và người mù có thể nhìn”. Biện pháp của giáo viên chủ nhiệm cần, sự phối hợp với phụ huynh cũng là tất yếu, nhưng cái cần hơn cả vẫn là tấm lòng, là sự nhiệt tình, là trách nhiệm và tình yêu thương học sinh. Nếu chúng ta làm việc với lòng yêu nghề, với cái tâm của nhà giáo, chắc chắn công tác chủ nhiệm sẽ thành công và ngày càng có nhiều quả ngọt dâng cho đời.

 

Cô giáo Nguyễn Thị Cẩm Vinh - Chủ nhiệm lớp 11A

Đóng góp ý kiến Bản in
Họ và tên
Nội dung hỏi
  Mã xác nhận: 6691

Lượt truy cập: 369697 lần

Đang online: 3 người