Chi bộ Đảng

Chủ tịch Hồ Chí Minh với vấn đề xây dựng Đảng

2/3/2013 12:19:58 PM

Chủ tịch Hồ Chí Minh là người sáng lập Đảng Cộng sản Việt Nam. Vào những năm 30 của thế kỷ trước, ở một nước nông nghiệp lạc hậu, hơn 90% là nông dân, giai cấp công nhân mới hình thành, chưa thật sự là đội ngũ công nhân công nghiệp lớn, sự ra đời của Đảng Cộng sản Việt Nam là một thành công lớn của Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh. Bằng những bước đi và phương pháp sáng tạo, Người đã quan tâm đến việc huấn luyện cán bộ, lập tổ chức Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên, như Người đã báo cáo với Quốc tế


Chủ tịch Hồ Chí Minh đã sớm thấm nhuần nguyên lý Mác-Lênin và chỉ rõ tầm quan trọng của đảng cách mệnh: “Cách mệnh trước hết phải có cái gì? Trước hết phải có đảng cách mệnh, để trong thì vận động và tổ chức dân chúng, ngoài thì liên lạc với dân tộc bị áp bức và vô sản giai cấp mọi nơi”.




Qua nhiều bài viết, bài nói, Người đã phân tích ba vai trò lớn của Đảng: Giác ngộ dân chúng, chỉ đường và dẫn đường cho dân chúng, tổ chức dân chúng trong thời kỳ cách mạng dân tộc dân chủ cũng như trong thời kỳ cách mạng xã hội chủ nghĩa.
Cùng với việc sáng lập Đảng, ngay từ đầu Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đặc biệt quan tâm đến vấn đề xây dựng Đảng. Tháng 4-1931, trong thư gửi Ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương, Người thẳng thắn phê bình cách khai hội (họp quá dài, chưa nghiên cứu kỹ trước khi họp…), cách thảo luận (thảo luận một cách tầm chương trích cú, chưa động viên được nhiều người phát biểu ý kiến…), không đề xuất được kế hoạch thiết thực… Tháng 1-1935, Người phát hiện nhược điểm của Đảng và đảng viên là “trình độ lý luận chính trị rất thấp” nên Người đề nghị Quốc tế cộng sản xuất bản những sách về lý luận. Tháng 7-1939, Người uốn nắn Đảng phải lưu ý xác định mục tiêu và khẩu hiệu đấu tranh và quan tâm hơn nữa đến mặt trận dân chủ rộng rãi, thái độ đối với các tầng lớp yêu nước và bọn Tơ-rốt-xkit… Sau ngày Cách mạng Tháng Tám thành công, Đảng ta cầm quyền, Người càng quan tâm xây dựng Đảng ta về nhiều mặt: Trí tuệ, đạo đức, phong cách, lề lối làm việc... Năm 1951, tại Đại hội II của Đảng Người đã xác định mục tiêu “Đảng Lao động Việt Nam phải là một đảng to lớn, mạnh mẽ, chắc chắn, trong sạch, triệt để”…
Có thể khái quát những vấn đề Chủ tịch Hồ Chí Minh quan tâm trong công tác xây dựng Đảng bao gồm:


Thứ nhất: Trí tuệ của Đảng
Trí tuệ của Đảng trước hết thể hiện ở chỗ nắm vững chủ nghĩa Mác - Lênin. Từ khi mở lớp huấn luyện chính trị ở Quảng Châu năm 1925, Người đã khẳng định “Đảng có vững cách mệnh mới thành công, cũng như người cầm lái có vững thuyền mới chạy. Đảng muốn vững thì phải có chủ nghĩa làm cốt, trong đảng ai cũng phải hiểu, ai cũng phải theo chủ nghĩa ấy. Đảng mà không có chủ nghĩa cũng như người không có trí khôn, tàu không có bàn chỉ nam. Bây giờ học thuyết nhiều, chủ nghĩa nhiều, nhưng chủ nghĩa chân chính nhất, chắc chắn nhất, cách mệnh nhất là chủ nghĩa Mác – Lênin”.
Theo Người, cán bộ phải học lý luận Mác - Lênin là để nâng cao trình độ lý luận của Đảng… giải quyết sự đòi hỏi của nhiệm vụ cách mạng và tình hình thực tế của Đảng ta, để Đảng ta có thể làm tốt hơn nhiệm vụ cách mạng của mình. Không hiểu lý luận chẳng khác nào người mù đi đêm. Học chủ nghĩa Mác - Lênin là để phân tích và giải quyết các vấn đề của cách mạng nước ta, cho hợp với điều kiện nước ta, chứ không phải để thuộc lòng từng câu từng chữ, áp dụng một cách máy móc. Có lý luận soi đường thì quần chúng mới hành động đúng đắn, mới phát triển được tài năng và lực lượng vô cùng tận của mình.
Trí tuệ của Đảng, của đảng viên còn thể hiện ở chỗ luôn nâng cao kiến thức chuyên môn nghiệp vụ của mình. Người cho rằng “Chủ nghĩa xã hội cộng với khoa học, chắc chắn sẽ đưa loài người đến hạnh phúc vô tận”. Người chỉ rõ: “Ngày nay, Đảng yêu cầu cán bộ và đảng viên chẳng những thạo về chính trị, mà còn phải giỏi về chuyên môn, không thể lãnh đạo chung chung”.
Vì Đảng là người lãnh đạo là bộ phận tham mưu nên phải có trí tuệ sáng suốt, ưu việt và toàn diện mới hoạch địch được những chiến lược, đường lối, chủ trương đúng đắn để đưa cách mạng đến thắng lợi. Để nắm được lý luận, đào tạo chuyên môn, người cán bộ đảng viên phải ra sức tự học để nâng cao trình độ của mình. Về điểm này, cuộc đời Chủ tịch Hồ Chí Minh là một tấm gương lớn về tự học.

Thứ hai: Xây dựng đạo đức của Đảng và đảng viên

Chủ tịch Hồ Chí Minh quan niệm rằng đạo đức rất quan trọng, là cái gốc của người cách mạng. Người từng nói: “Cũng như sông thì có nguồn mới có nước, không có nước thì sông cạn. Cây không có gốc thì cây héo. Người cách mạng không có đạo đức thì dù tài giỏi mấy cũng không lãnh đạo được nhân dân”.

Người coi tổ chức Đảng cũng như một con người, phải có đạo đức. Từ năm 1947, Người đã viết bài “Tư cách của Đảng chân chính cách mạng”, nêu lên 12 điều về tư cách của Đảng như phải làm tròn nhiệm vụ giải phóng dân tộc, làm cho Tổ quốc giàu mạnh, đồng bào sung sướng; mọi công việc của Đảng phải đứng về phía quần chúng; phải giáo dục tinh thần yêu nước và cần, kiệm, liêm, chính cho cán bộ, đảng viên và nhân dân; Đảng không che giấu những khuyết điểm của mình, không sợ phê bình; phải giữ kỷ luật nghiêm minh v.v… Người còn nhấn mạnh “nhất là những người cán bộ và lãnh tụ càng phải làm cho xứng đáng lòng tin cậy của Đảng của dân tộc. Càng phải làm gương cho tất cả đảng viên, tất cả quần chúng noi theo. Người cán bộ, bộ đội, đảng viên muốn được dân tin, dân phục, dân yêu thì phải gương mẫu từ việc làm, cách ăn ở đến lời ăn tiếng nói…
Trong vấn đề rèn luyện đạo đức đảng viên cũng như giữ gìn tư cách đạo đức của Đảng, Người khuyên phải kiên trì rèn luyện và cảnh giác thường xuyên với chủ nghĩa cá nhân: “Một dân tộc, một Đảng và mỗi con người, ngày hôm qua là vĩ đại, có sức hấp dẫn lớn, không nhất định hôm nay và ngày mai vẫn được mọi người yêu mến và ca ngợi, nếu lòng dạ không trong sáng, nếu sa vào chủ nghĩa cá nhân”.
Những đạo đức cơ bản mà người cán bộ, đảng viên cần nêu gương, theo Người là suốt đời toàn tâm toàn ý đấu tranh cho Đảng, cho cách mạng, là tiêu chuẩn số một của người đảng viên. Nói suốt đời đấu tranh cho đảng, cho cách mạng nghĩa là mỗi người, trên nhiệm vụ và cương vị cụ thể của mình, phải hoàn thành công tác một cách năng suất, chất lượng và hiệu quả. Làm như thế chính là góp phần để Đảng ta đem lại lợi ích cho nhân dân. Một câu nói được Chủ tịch Hồ Chí Minh nhắc đi nhắc lại rất nhiều lần đó là “nhiệm vụ của Đảng ta là một lòng một dạ phụng sự Tổ quốc và nhân dân. Ngoài lợi ích của Tổ quốc của nhân dân, Đảng ta không có lợi ích gì khác”. Bốn đức cách mạng mà Người khuyên cán bộ đảng viên thực hành là cần, kiệm, liêm, chính.
Bản thân Người là một mẫu mực sáng chói tuyệt vời về đạo đức cách mạng mà nhân dân ta và bạn bè thế giới khâm phục và ca ngợi, mãi mãi là tấm gương sáng để mọi người học tập và noi theo.


Thứ ba: Phải xây dựng một đội ngũ cán bộ đảng viên đủ đức, đủ tài để xứng đáng là người lãnh đạo và cũng là người đầy tớ của nhân dân
Vai trò của cán bộ rất quan trọng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng nói: “Cán bộ là cái gốc của mọi công việc”, “Công việc thành công hay thất bại đều do cán bộ tốt hay kém”, “Cán bộ là cái dây chuyền của bộ máy”, “Vấn đề cán bộ là một vấn đề rất trọng yếu, rất cần kíp”.
Để xây dựng một đội ngũ cán bộ hoàn thành thật tốt nhiệm vụ, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nêu rõ Đảng phải làm thế nào?
1. Phải biết rõ cán bộ
2. Phải cất nhắc cán bộ cho đúng
3. Phải khéo dùng cán bộ, dùng tài đúng chỗ
4. Phải phân phối cán bộ cho đúng
5. Phải dùng lòng nhân ái mà giúp đỡ cán bộ. Phải luôn luôn kiểm tra công việc và nhân cách người cán bộ
Trong hai tiêu chuẩn đức và tài Chủ tịch Hồ Chí Minh coi trọng mặt đức, bởi vì Người đã nhận xét rằng có tài mà không có đức thì có hại cho dân, cho nước.

Tìm được cán bộ rồi người lãnh đạo còn phải biết dùng cán bộ, về điểm này Người khuyên:

1. Mình phải có độ lượng vĩ đại thì mới có thể đối với cán bộ một cách chí công vô tư, không có thành kiến, khiến cho cán bộ khỏi bị bỏ rơi.
2. Phải có tinh thần rộng rãi mới có thể nâng đỡ người mình không ưa
3. Phải có tính chịu khó dậy bảo mới có thể nâng đỡ những đồng chí còn kém, giúp cho họ tiến bộ.
4. Phải sáng suốt mới khỏi bị bọn vu vơ bao vây mà xa cách cán bộ tốt
5. Phải có thái độ vui vẻ thân mật các đồng chí mới vui lòng gần gũi mình
Trong công tác cán bộ, Chủ tịch Hồ Chí Minh rất quan tâm đến vấn đề đào tạo cán bộ trẻ. Từ năm 1966, Người đã nhắc nhở:
“Phải chú ý kiện toàn sự lãnh đạo của các cấp các ngành. Phải mạnh dạn giao việc cho những cán bộ trẻ đã được rèn luyện thử thách”.
Trong Di chúc, Người nhắc nhở đến việc đào tạo cán bộ phụ nữ: “Đảng và Chính phủ có kế hoạch thiết thực để bồi dưỡng cất nhắc và giúp đỡ, để phụ nữ phụ trách ngày thêm nhiều mọi việc, kể cả công việc lãnh đạo”.
Với một số cán bộ phạm sai lầm nặng không thể tha thứ, Người cũng xử phạt rất nghiêm minh và nghiêm khắc.
Thứ tư, muốn Đảng vững bền phải xây dựng mối quan hệ chặt chẽ với quần chúng
Chủ tịch Hồ Chí Minh đánh giá rất cao sức mạnh của nhân dân. “Lực lượng toàn dân là lực lượng vĩ đại hơn hết. Không ai chiến thắng được lực lượng đó”. Vì vậy dân góp phần làm tăng sức mạnh của Đảng “Dân nghe theo là mình mạnh”,”nếu không có nhân dân thì chính phủ không đủ lực lượng”… “Vậy nên chính phủ với nhân dân phải đoàn kết thành một khối".
Người khẳng định: “Giữ chặt mối liên hệ với dân chúng và luôn luôn lắng tai nghe ý kiến của dân chúng, đó là nền tảng lực lượng của Đảng và nhờ đó mà Đảng thắng lợi”.

Việc làm quan trọng đầu tiên để thắt chặt mối quan hệ giữa Đảng với quần chúng là phải phấn đấu đem lại lợi ích tinh thần và vật chất cho dân, phải làm cho dân ăn no, mặc ấm, được học hành, được khỏe mạnh, được phát triển tài năng của mình. Cho nên Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói “nếu nước độc lập mà dân không hưởng hạnh phúc tự do, thì độc lập cũng chẳng có nghĩa lý gì”.

Mối liên hệ chặt chẽ với nhân dân phải xuất phát từ lòng yêu nhân dân, tin dân, kính trọng dân, phải đặt quyền lợi của dân lên trên hết thảy, việc gì có lợi cho dân phải hết sức làm, việc gì có hại cho dân phải hết sức tránh.
Người chỉ rõ muốn được dân tin, dân phục, dân yêu cán bộ phải “siêng năng, tiết kiệm, trong sạch, chính đáng”.
Người chỉ rõ trọng dân có nhiều cách, không phải ở chỗ chào hỏi kính thưa có lễ phép mà đủ. Không được phung phí nhân lực, vật lực của dân chính là luôn gần gũi dân, học hỏi nhân dân.
Bác Hồ từ khi làm Chủ tịch nước mặc dầu công việc rất bận, nhưng Người đến với dân rất nhiều, trung bình mỗi tháng 3 lần. Người đến với dân bình dị như người thân về thăm gia đình, về với nông dân. Người sẵn sàng lội xuống ruộng, sẵn sàng cầm dây gầu tát nước cùng nông dân. Đến thăm quân đội, nhà máy, trường học… Người không chỉ dừng ở phòng khách mà thường đi xem khắp nơi: Nhà bếp, nhà tắm, nhà vệ sinh… để nắm được thực chất tình hình để hiểu thật đúng tình hình của dân, để khen đúng mức những mặt hay và phê bình thẳng thắn những mặt kém.
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dành nhiều sức lực và trí tuệ vào công tác xây dựng Đảng. Bài viết này chỉ có thể nêu một số điểm chính để chúng ta suy ngẫm… góp phần xây dựng Đảng ta trong sạch, vững mạnh.

Theo Nguyễn Huy Hoan (Nguyên Phó giám đốc Bảo tàng Hồ Chí Minh)

Đóng góp ý kiến Bản in
Họ và tên
Nội dung hỏi
  Mã xác nhận: 8374

Lượt truy cập: 369486 lần

Đang online: 2 người